Với nhu cầu ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu về ngành IT cũng tăng lên nhanh chóng. Nhưng IT là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu ngành công nghệ thông tin (IT)
Công nghệ thông tin (CNTT) tiếng Anh là Information Technology (IT). Đây là một nhánh ngành kỹ thuật, sử dụng máy tính và phần mềm để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin.
Nhân viên IT là những người duy trì các hoạt động của hệ thống máy tính cũng như mạng, đảm bảo sao cho chúng luôn trong tình trạng tối ưu nhất. Họ còn hỗ trợ đội kỹ thuật và hướng dẫn nhân sự trong tổ chức về các kỹ năng cơ bản để có thể sử dụng chương trình máy tính, cơ sở hạ tầng IT một cách an toàn và hiệu quả.
Tóm lại, ngành IT chủ yếu làm những công việc liên quan đến máy tính và phần mềm máy tính. Ở Việt Nam, IT còn được hiểu là những người lập trình. Lúc này, công việc của IT không chỉ dừng lại ở việc xử lý dữ liệu máy tính nữa, mà còn là thiết kế và viết phần mềm máy tính… IT sẽ đáp ứng nhu cầu công việc tùy vào yêu cầu của từng công ty.
Yêu cầu đối với nhân viên ngành CNTT
1. Bằng cấp
Muốn trở thành nhân viên ngành IT, bạn cần có bằng tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học hoặc chứng chỉ đào tạo CNTT. Tuy nhiên, ngành này chú trọng nhiều hơn vào tay nghề.
2. Am hiểu công nghệ
Bạn cần am hiểu công nghệ trong từng lĩnh vực để có thể làm việc hiệu quả. Bởi các sản phẩm và ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến.
3. Thành thạo kỹ năng chung về mạng
Mạng được coi là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ công việc nào. Bạn cần có những hiểu biết nhất định về mạng để phát triển bản thân nhiều hơn trong ngành CNTT.
4. Khả năng quản lý thời gian hiệu quả
Thường thì công việc của IT sẽ rất bận rộn, có thể làm cả ban đêm. Vì thế, bạn cần biết quản lý công việc, sắp xếp chúng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần biết tự tạo deadline cho công việc và đảm bảo thực hiện nó.
5. Có kỹ năng đọc tài liệu tốt
Ngành CNTT thay đổi theo từng giây, đòi hỏi nhân viên IT phải liên tục cập nhật kiến thức. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tham gia các trường lớp. Bạn cần tự học, bởi thế mới cần có kỹ năng đọc tài liệu. Có kỹ năng đọc tốt sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức để phục vụ đời sống và công việc. Ngoài ra còn rèn luyện cho bạn sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.
6. Học đi đôi với hành
Công việc của IT chủ yếu là thực hành chứ không chỉ là nắm kiến thức trên sách. Thực hành nhiều sẽ giúp bạn thạo việc hơn, linh hoạt hơn trong xử lý công việc. Bên cạnh đó, thực hành sẽ giúp bạn học hỏi và ghi nhớ nhanh hơn là đọc trên những trang sách khô khan.
7. Luôn nâng cao trình độ tiếng Anh
Tiếng Anh rất quan trọng với dân IT, bởi ngôn ngữ lập trình hoàn toàn dùng tiếng Anh. Ngoài tiếng Anh trong công việc, nói tiếng Anh thành thạo cũng sẽ hỗ trợ bạn tốt hơn trong công việc. Đặc biệt giúp bạn thăng tiến ở những công ty nước ngoài.
Cơ hội nghề nghiệp ngành IT
CNTT là một ngành được dự đoán là có triển vọng nhất tại Việt Nam hiện tại. Nhất là khi nước ta đang hội nhập hóa, toàn cầu hóa sâu rộng. Chúng ta rất cần nhân lực để bắt kịp với công nghệ của các nước khác trên thế giới. Ít nhất trong 5 – 10 năm tới, ngành CNTT sẽ có rất nhiều cơ hội.
1. Lĩnh vực phát triển APP di động
Điện thoại thông minh đã trở thành một vật “bất ly thân” của hầu hết mọi người. Từ đó dẫn đến nhu cầu sử dụng các ứng dụng điện thoại ngày càng tăng cao. Những người tạo ra ứng dụng điện thoại cho bạn chính là những nhân viên IT.
Nhân viên IT thuộc lĩnh vực này có thể tạo ra những ứng dụng di động như Facebook, Instagram, Zalo… Các ứng dụng di động được phát triển trên những nền tảng phổ biến như iOS, Android, Windows Phone.
2. Lĩnh vực phát triển web (Web Developer)
Nhân viên IT cũng có thể phát triển web, hay còn được biết đến như Web Developer. Họ là những lập trình viên tham gia vào phát triển ứng dụng World Wide Web.
Công việc của họ chủ yếu là tạo ra những ứng dụng chạy trên trình duyệt như Google, Cốc Cốc… Một ngôn ngữ trình duyệt web phổ biến là PHP. Web Deverloper sẽ sử dụng ngôn ngữ kịch bản lệnh PHP để viết các ứng dụng web từ máy chủ.
3. Lĩnh vực lập trình nhúng
Lĩnh vực lập trình nhúng sẽ giống như lập trình viên nhưng môi trường làm việc của họ khác với lập trình viên thông thường. Những ô tô, máy bay… hiện đại ngày nay có rất nhiều chip để xử lý các lệnh trong quá trình vận hành. Người lập trình những con chip này chính là các lập trình viên nhúng.
4. Lĩnh vực phát triển game
Có thể coi lĩnh vực này là mảnh đất màu mỡ của dân IT bởi nhu cầu giải trí luôn vô tận. Vì thế, nếu bạn đam mê lĩnh vực này, đừng ngần ngại tham gia vào các công ty phát hành game.
Nhân viên IT lập trình game sẽ dựa trên nền tảng các hệ điều hành như iOS, Android để xây dựng nên game. Bên cạnh đó, họ còn lập trình đa nền tảng với ngôn ngữ web.
5. Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)
AI là viết tắt của Artificial Intelligence. Khi mà thế giới đang tiến rất nhanh vào cách mạng công nghệ 5.0, trí tuệ nhân tạo sẽ đưa sáng tạo công nghệ đạt đỉnh cao.
Google nhận diện giọng nói, Facebook nhận diện được hình ảnh, hay các robot phục vụ… đều là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.
6. Bảo mật thông tin
Khi công nghệ phát triển như vậy, vấn đề bảo mật an ninh mạng đang là mối lo chung trên toàn thế giới. Vì thế, nhân viên IT làm trong lĩnh vực bảo mật thông tin, đặc biệt là điện toán đám mây hiện đang có cơ hội việc làm rất cao.
7. Kết hợp với các ngành nghề khác
Tuy nhiên, nhân viên IT không phải lúc nào cũng làm tại các công ty công nghệ. Họ có thể làm những việc như đảm bảo cho hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT của các công ty ngoài ngành CNTT vận hành trơn tru.
Công việc có thể bao gồm cài đặt hệ thống mạng, đảm bảo phần cứng như máy móc, bàn phím, màn hình… hoạt động hiệu quả và sửa chữa khi cần. Bên cạnh đó, nhân viên IT còn có thể hoạt động trong các ngành khác như y tế, giáo dục, giải trí… Bởi hiện nay công nghệ được ứng dụng cho hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Các trường đào tạo chuyên ngành IT
1. Tại Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) là một trong những trường đại học kỹ thuật đa ngành top 1 Việt Nam. Đây cũng là trường trọng điểm quốc gia. Trường là một trong 13 thành viên của Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Châu Á – Thái Bình Dương.
Khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập vào tháng 3 năm 1995. Tại thời điểm thành lập, Khoa là một trong bảy khoa công nghệ thông tin trọng điểm được thành lập tại Việt Nam.
Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Công nghệ (UET) được thành lập vào lăn 2004. Đây là một trong những trường hàng đầu Việt Nam về đào tạo công nghệ thông tin.
UET có đội ngũ giảng viên yêu nghề, tâm huyết với việc giảng dạy. Các thầy cô đều gần gũi với sinh viên, và có cách giảng dạy chuyên nghiệp, hiện đại. Trường là đối tác tin cậy của hơn 50 trường đại học, học viện nghiên cứu và tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới.
2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP. HCM (UIT)
Đây là ngôi trường công lập đào tạo về CNTT và Truyền thông, đào tạo nên nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền công nghiệp CNTT Việt Nam. Trường còn tiến hành nghiên cứu khoa học và chuyển giao CNTT tiên tiến, hướng vào các ứng dụng nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trường có 07 chương trình đào tạo đặc biệt cho hệ chính quy. Ở các bậc đào tạo sau đại học, trường có 03 chương trình cho trình độ thạc sĩ, và 02 chương trình cho trình độ tiến sĩ.
Đại học RMIT Việt Nam
Đại học RMIT Việt Nam là chi nhánh tại châu Á (có cả ở Hà Nội và Hồ Chí Minh) của Đại học RMIT (đặt tại Melbourne) – trường đại học lớn nhất của Úc. Trường giảng dạy nhiều chương trình, trong đó có CNTT.
Đây là môi trường học tập khuyến khích nhận thức văn hóa, tư duy phản biện và óc sáng tạo. Bạn sẽ được trải nghiệm một nền giáo dục hiện đại, trang bị những kỹ năng và tri thức cho bản thân tiến xa hơn trên con đường đã chọn.
Trên đây là một số những thông tin cơ bản về ngành IT mà các bạn đang quan tâm. Hy vọng đã đem đến cho bạn cái nhìn tổng quát nhất, từ đó có những quyết định quan trọng của riêng mình.